HCG là tên viết tắt của loại hormone Chorionic gonadotropin trong cơ thể con người và được sản xuất ra trong thai kỳ. HCG được chế tiết bởi tế bào trophoblast của bánh nhau ngay sau khi trứng thụ tinh. Nồng độ hCG trong huyết thanh tăng nhanh sau thụ thai khiến nó trở thành một tín hiệu cho việc chẩn đoán có thai khi trễ kinh và theo dõi tuổi thai ((theo dõi sự tăng trưởng của thai trong những tuần đầu của thai kỳ).
HCG xuất hiện để duy trì hoàng thể. Nó cho phép tổng hợp progesterone và estrogen và hỗ trợ nội mạc tử cung là chỉ điểm quan trọng của tình trạng thai nghén. Beta hCG được kiểm tra thông qua xét nghiệm máu của người mẹ trong khoảng 8-9 ngày sau khi rụng trứng.
Bảng theo dõi nồng độ beta -hCG dựa trên tuổi thai (tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng):
Tuổi thai | Nồng độ beta-hCG (mIU/ml) |
Tuổi thai | Nồng độ beta-hCG (mIU/ml) |
3 tuần | 5-50 mIU/ml | 9-12 tuần | 25.700-288.000 mIU/ml |
4 tuần | 5-426 mIU/ml | 13-16 tuần | 13.300-254.000 mIU/ml |
5 tuần | 18-7.340 mIU/ml | 17-24 tuần | 4.060-165.400 mIU/ml |
6 tuần | 1.080-56.500 mIU/ml | Từ tuần thứ 25 cho tới ngày sinh | 3.640-117.000 mIU/ml |
7-8 tuần | 7.650-229.000 mIU/ml | 4-6 tuần sau sinh | <5 mIU/ml |
Nồng độ hCG đạt tới mức đỉnh điểm vào khoảng 8-10 tuần của thai kỳ. Từ tuần thứ 10 trở đi cho đến giai đoạn muộn của thai kỳ, nhau thai bài tiết hCG thay cho hợp bào nuôi để duy trì sự sống và sự phát triển của thai, đơn bào nuôi của lông rau giảm đi, lớp hợp bào nuôi cũng giảm và trở nên mỏng do đó sự chế tiết hCG giảm đi và hCG không còn trong máu mẹ trong 4 – 6 tuần sau sinh.
Xét nghiệm beta HCG chỉ giúp xác định có thai, theo dõi sự phát triển của thai nhi thông qua sự phát triển của bánh nhau, chứ hoàn toàn không phản ánh được gì về giới tính, cân nặng, trí thông minh của thai. Chính vì vậy, bà mẹ không nên quá lo lắng về nồng độ beta HCG, không nên theo dõi xét nghiệm liên tục, trong khi sức khỏe của bé còn có thể được đánh giá qua những chỉ số khác, những phương tiện khác. Theo đó, việc cần làm là các sản phụ nên chăm sóc bản thân, khám thai định kỳ, kết hợp ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý, chuẩn bị sẵn sàng để chào đón con ra đời.