Nhiễm khuẩn huyết là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đặc trưng bởi sự xâm nhập và nhân lên của vi khuẩn ở trong máu. Bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, do vậy việc xét nghiệm phát hiện sớm có ý nghĩa lớn trong công tác điều trị. Xét nghiệm cấy máu được coi là tiêu chuẩn vàng giúp chẩn đoán chính xác bệnh nhiễm khuẩn huyết.

1. Tìm hiểu chung về bệnh nhiễm khuẩn huyết

Nhiễm khuẩn huyết (hay còn gọi là nhiễm trùng máu) là tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân nặng do vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây bệnh. Bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao hiện nay bởi diễn biến phức tạp, nguyên nhân đa dạng và những biến chứng nguy hiểm. Vi khuẩn theo đường máu đến các bộ phận cơ quan trong cơ thể và gây ra sự tổn thương nội tạng. Cơ chế đông máu bị ảnh hưởng dẫn đến việc giảm lượng máu lưu thông đến các cơ quan, cơ thể bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng, từ đó gây ra những hậu quả nặng nề.

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, rối loạn đông máu, hoại tử cơ tim, gan, thận và suy đa tạng. Đặc biệt biến chứng nghiêm trọng nhất của nhiễm khuẩn huyết đó là sốc nhiễm khuẩn và tử vong. Khi tình trạng bệnh quá nặng, các cơ quan bị suy giảm chức năng, cho dù điều trị kháng sinh tích cực bệnh nhân vẫn có khả năng tử vong.

Những đối tượng có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn huyết cần đặc biệt chú ý như:

– Người mắc các bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, xơ gan, bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính, suy thận mạn, HIV/ AIDS,…

– Người đang sử dụng corticoid kéo dài, thuốc ức chế miễn dịch, đang điều trị hóa chất, tia xạ,…

– Người nghiện bia, rượu, bệnh máu ác tính, cắt lách,…

– Người được làm các thủ thuật xâm lấn như đặt catheter, đặt ống nội khí quản, sonde tiểu, sonde dạ dày,… cũng có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn huyết.

– Người cao tuổi và trẻ sơ sinh.

Nhiễm khuẩn huyết là bệnh lý có nhiều triệu chứng lâm sàng nặng và nguy kịch, tuy nhiên việc chẩn đoán xác định bệnh phải dựa vào những xét nghiệm cận lâm sàng như cấy máu, tổng phân tích máu ngoại vi, đánh giá chức năng gan, thận, đo hàm lượng CRP, procalcitonin, máu lắng,…

2. Xét nghiệm cấy máu là gì và được thực hiện trong trường hợp nào?

Cấy máu là xét nghiệm nhằm kiểm tra sự có mặt của vi khuẩn, nấm trong máu hay không. Đây được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định tình trạng nhiễm khuẩn huyết. Thông thường khi bệnh nhân sốt, sốt cao, hạ thân nhiệt, rét run, ớn lạnh sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện cấy máu để ra nguyên nhân. Ngoài ra những những bệnh nhân có chỉ số CRP cao, procalcitonin cao chứng tỏ có dấu hiệu nhiễm khuẩn nhưng chưa biết vị trí viêm; bệnh nhân có xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc; bệnh nhân nghi ngờ viêm nội tâm mạc,… đều được yêu cầu xét nghiệm.

Mục đích của xét nghiệm cấy máu là:

– Tìm ra loại vi khuẩn hoặc nấm gây nhiễm trùng máu, từ đó có thể tìm ra ổ nhiễm trùng tiên phát : viêm phổi, viêm xương, viêm màng não, viêm tiết niệu,… và giúp bác sĩ điều trị theo kháng sinh đồ 1 cách hiệu quả nhất.

– Xác định nguyên nhân gây tình trạng sốt không rõ nguyên nhân ở những bệnh nhân nặng.

– Tìm ra loại kháng sinh đặc hiệu với chủng vi khuẩn.

– Theo dõi tiến triển của nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm nội tâm mạc trong quá trình điều trị.

3. Quy trình cấy máu được thực hiện như thế nào?

Thời điểm tốt nhất để tiến hành lấy máu là lúc bệnh nhân đang lên cơn sốt cao, sốt ớn lạnh, rét run. Chú ý nên lấy máu trước khi bệnh nhân dùng kháng sinh toàn thân. Tuy nhiên nếu như tình trạng bệnh đang nguy kịch thì vẫn có thể lấy máu trong thời điểm dùng kháng sinh.

Chú ý không lấy máu ở tay đang truyền dịch, nếu bệnh nhân vừa ăn xong thì phải đợi sau 2 – 3h mới được lấy máu để cấy.

Tiến hành nhuộm soi gram và các kỹ thuật chẩn đoán định danh khác để xác định chủng loại vi khuẩn gây bệnh. Sự có mặt của bất kỳ loại vi khuẩn nào trong máu đều có ý nghĩa chẩn đoán. Sau đó làm kháng sinh đồ và thông báo cho bác sĩ kết quả thu được càng sớm càng tốt.

4. Những tác nhân vi khuẩn thường gây nhiễm trùng huyết

Theo nghiên cứu, những vi khuẩn thường gây nhiễm trùng huyết được kể đến như: Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Acinetobacter baumannii, Staphylococcus aureus, Streptococcus viridans, Enterococcus spp,…

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả như: quy trình lấy máu không đảm bảo vô khuẩn, máu bị tạp nhiễm bởi môi trường xung quanh, thời gian lấy máu không bắt được lúc vi khuẩn có trong máu, bệnh nhân đã dùng kháng sinh trước đó,…

Đôi khi người bệnh không bị nhiễm khuẩn huyết nhưng kết quả dương tính do mẫu máu bị lây nhiễm trong quá trình thao tác. Do đó cần tuyệt đối tuân thủ quy tắc vô khuẩn để đảm bảo kết quả cuối cùng chính xác nhất. Ngoài ra, khi nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết, cần tiến hành xét nghiệm ở những ổ nhiễm khuẩn như dịch hô hấp, dịch mủ, nước tiểu. Nếu cả 2 đều cho kết quả dương tính với cùng một tác nhân gây bệnh sẽ càng làm tăng độ chính xác của xét nghiệm.

Công ty TNHH Thiết bị Nhật Anh chuyên cung cấp, phân phối các máy xét nghiệm hiện đại về đông máu – huyết học đến từ nhiều hãng lớn trên thế giới. Ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chẩn đoán – tiên lượng và điều trị bệnh vô cùng quan trọng. Để biết rõ hơn về một số dòng máy xét nghiệm huyết học cũng như các giải pháp công nghệ y học mới, vui lòng liên hệ với Công ty TNHH Thiết bị Nhật Anh!

Bài viết khác