Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 – 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm.
Năm 2019, Việt Nam ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm trong đó có 10 trường hợp tử vong do bệnh cúm mùa. Theo thống kê tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí trong tháng 7/2022 có 186/ 827 người bệnh dương tính với cúm A, chiếm tỷ lệ 22,5% tổng số người xét nghiệm cúm A, B.1. Bệnh cúm thường có biểu hiện như thế nào?
Bệnh cúm có thời gian ủ bệnh từ 1 – 4 ngày, thông thường các dấu hiệu của bệnh cúm thường xuất hiện sau 48 – 72 giờ tiếp xúc với virus cúm. Bệnh cúm gây ra các triệu chứng từ nhẹ tới nặng. Trường hợp nhẹ, bệnh có biểu hiện giống như cảm lạnh: đau họng, hắt hơi, chảy nước mũi… Triệu chứng của bệnh cúm là khởi phát đột ngột, ớn lạnh, sốt cao, ho, đau nhức toàn thân… Trẻ em thường sốt cao hơn so với người lớn. Người bị cúm cũng có thể gặp thêm một hoặc nhiều các dấu hiệu sau: ho khan; viêm họng; nghẹt mũi; chảy nước mũi; đau đầu; mệt mỏi; khó thở; nôn mửa, tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em).
Hầu hết, các triệu chứng của bệnh cúm sẽ dần biến mất sau khoảng 4-7 ngày. Nếu các triệu chứng cúm dần trở nên nặng hơn hoặc dai dẳng, không có dấu hiệu giảm bớt sau 1 tuần thì bạn cần đến gặp bác sĩ. Nguy hiểm hơn là khi người bệnh cảm thấy khó thở, tức ngực, mất ý thức, co giật… cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức. Đây là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy cúm có thể đang chuyển biến thành bệnh lý nghiêm trọng hơn.
2. Những ai dễ bị mắc bệnh cúm?
Bất kỳ ai cũng đều có thể bị mắc cúm. Tuy nhiên, các đối tượng sau có nguy cơ bị mắc cúm cao hơn:
– Trẻ em < 5 tuổi và người lớn > 65 tuổi: cúm mùa thường có xu hướng xảy ra nhiều ở trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi và người già từ 65 tuổi trở lên.
– Người béo phì: những người có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) từ 40 trở lên có nguy cơ dễ mắc cúm cao hơn so với người có cân nặng bình thường.
– Người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu: các đối tượng đang điều trị ung thư, dùng thuốc chống thải ghép, sử dụng corticoid trong thời gian dài, cấy ghép nội tạng, ung thư, nhiễm HIV/AIDS…
– Người mắc bệnh mạn tính: các bệnh về phổi (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản…), đái tháo đường, suy tim, suy thận, bệnh gan…
– Phụ nữ mang thai và sau sinh: phụ nữ mang thai tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ và phụ nữ trong thời điểm 2 tuần sau sinh cũng có nguy cơ cao bị nhiễm cúm.3. Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán cúm?
Hiện nay có rất nhiều phương pháp xét nghiệm để chẩn đoán một người có bị nhiễm cúm hay không. Tuy nhiên, để xét nghiệm cúm có độ nhạy, độ đặc hiệu và chính xác cao phải được thực hiện trong các phòng xét nghiệm có uy tín. Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán cúm hiện nay bao gồm:
– RT – PCR: phương pháp này có độ nhạy cao, giúp phân biệt nhanh các loại cúm, thời gian cho kết quả từ 4 – 6 giờ. Bệnh phẩm là dịch tỵ hầu, dịch ngoáy họng, dịch phế quản…
– Miễn dịch huỳnh quang: kháng thể huỳnh quang trực tiếp hoặc nhuộm kháng thể huỳnh quang gián tiếp để phát hiện kháng nguyên cúm được sử dụng làm xét nghiệm sàng lọc. Miễn dịch huỳnh quang cho thấy độ nhạy và độ đặc hiệu thấp hơn một chút so với phân lập virus trong nuôi cấy tế bào, nhưng kết quả có sẵn trong vài giờ sau khi nhận mẫu. Hiệu suất của xét nghiệm này phụ thuộc vào chuyên môn của kỹ thuật viên phòng xét nghiệm và chất lượng của mẫu thu thập được.
– Xét nghiệm nhanh (RIDTs): phương pháp xét nghiệm nhanh hoạt động bằng cách phát hiện các kháng nguyên của virus. Xét nghiệm này cho kết quả trong khoảng 10-15 phút, nhưng không chính xác như các xét nghiệm cúm khác. Người bệnh vẫn có thể bị cúm, mặc dù kết quả xét nghiệm nhanh là âm tính. Hiệu suất của xét nghiệm này phụ thuộc nhiều vào tuổi của người bệnh, thời gian mắc bệnh, loại mẫu bệnh phẩm và loại virus cúm..
– Phân lập virus: ứng dụng trong nuôi cấy tế bào chuẩn và nuôi cấy lớp không phải là xét nghiệm sàng lọc. Phương pháp này nên thực hiện trên mẫu bệnh phẩm hô hấp thu thập từ những người nghi ngờ cúm xuất hiện trong vòng 5 ngày sau khi phát bệnh. Trong mùa cúm, nên tiến hành nuôi cấy virus với các mẫu bệnh phẩm hô hấp thu được từ một nhóm người cho mục đích giám sát virus thông thường và để xác nhận một số kết quả xét nghiệm âm tính từ xét nghiệm kháng nguyên và miễn dịch huỳnh quang nhanh.
– Xét nghiệm huyết thanh: thường không được khuyến cáo để phát hiện bằng chứng nhiễm virus cúm ở người để kiểm soát bệnh cấp tính.
– Xét nghiệm test cúm A, B: đây là phương pháp đang được sử dụng phổ biến, nhất là trong giai đoạn bùng dịch, cần có xét nghiệm chẩn đoán nhanh. Tại khoa Vi sinh, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển đang thực hiện xét nghiệm này để phát hiện định tính và phân biệt kháng nguyên của virus cúm type A và type B trực tiếp từ bệnh phẩm hoặc tăm bông lấy mẫu từ mũi họng. Phương pháp cho kết quả nhanh chóng, chỉ sau 10 -15 phút.
Cúm là bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng. Phần lớn, người bệnh mắc cúm là nhẹ và tự khỏi nhưng cũng có đối tượng sẽ gặp những biến chứng nguy hiểm khi mắc cúm như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, suy đa phủ tạng… Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh cúm vô cùng quan trọng, không chỉ dựa vào triệu chứng mà còn phải sử dụng kết quả xét nghiệm để bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác cho việc lựa chọn phác đồ điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng nghiêm trọng xảy ra.
4. Cách phòng ngừa bệnh cúm
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y Tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau đây:
– Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
– Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
– Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.
– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
– Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
– Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.