Axit uric trong máu là một trong những chỉ số xét nghiệm về máu được quan tâm nhiều nhất hiện nay. Chỉ định xét nghiệm acid uric nhằm chẩn đoán các bệnh lý gây biến đổi nồng độ acid uric trong cơ thể.
1. Acid uric là gì?
Acid uric (công thức hóa học là C5H4N4O3) là một hợp chất dị vòng của cacbon, oxi, hidro và nitơ và là một sản phẩm chuyển hóa các chất đạm có nhân purin. Các nguồn chính tạo acid uric trong cơ thể gồm:
– Nguồn gốc ngoại sinh: Các thức ăn, đồ uống giàu nhân purin như phủ tạng động vật, hải sản,
– Nguồn nội sinh: Các tế bào trong cơ thể khi già hóa, chế đi, nhân purin của nó bị phá hủy và tạo thành acid uric.
Acid uric được tổng hợp tại gan, thải ra khỏi cơ thể chủ yếu qua thận. Nếu quá trình tổng hợp và đào thải acid uric xảy ra cân bằng, lượng acid uric trong máu sẽ thuộc giới hạn bình thường ở mức 140-420 micromol/l. Bất kỳ nguyên nhân nào làm mất cân bằng hai quá trình tổng hợp và đào thải chất này đều gây ảnh hưởng đến chỉ số này đó là tăng hoặc giảm acid uric trong máu và đều có thể dẫn tới hậu quả xấu cho cơ thể.
2. Xét nghiệm acid uric để làm gì?
Xét nghiệm acid uric được thực hiện để chẩn đoán các bệnh lý gây biến đổi nồng độ acid uric trong cơ thể. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy acid uric máu cao hơn so với giá trị thông thường, cơ thể bệnh nhân có thể đang sản xuất nhiều acid uric hoặc khả năng đào thải acid uric qua đường tiểu đang bị giảm. Các nguyên nhân gây tăng acid uric máu thường gặp là:
– Chế độ ăn có quá nhiều chất đạm, hải sản, uống nhiều rượu bia.
– Người bệnh gout, gây các đợt viêm khớp cấp tính.
– Người bệnh mắc các bệnh lý ung thư như đa u tủy xương, ung thư di căn,…và/hoặc đang điều trị ung thư bằng các phương pháp như xạ trị, hóa trị. Các phương pháp này làm tăng hủy hoại tế bào, gây tăng acid uric máu.
– Người bệnh bị suy thận, chức năng thận suy giảm sẽ làm giảm khả năng đào thải acid uric ra khỏi cơ thể.
– Người bệnh tiểu đường, thiểu năng tuyến cận giáp,…
– Tăng nồng độ acid uric máu cũng liên quan đến một số căn bệnh di truyền. Điển hình là hội chứng Lesch-Nyhan, gây ra do thiếu hụt enzyme trong chuyển hóa purin, dẫn đến sự đột biến liên quan đến nhiễm sắc thể X, làm tăng đột ngột quá trình tổng hợp purin nội sinh.
Nếu như chỉ số axit uric trong máu tăng gây ra những căn bệnh nguy hiểm thì ngược lại, axit uric thấp hơn giới hạn bình thường cũng không hề tốt. Thậm chí, đó có thể là biểu hiện của một số bệnh lý của cơ thể, bao gồm:
– Bệnh Xanthin niệu là dạng rối loạn di truyền chuyển hoá do thiếu xanthine oxidase là enzym xúc tác oxy hóa xanthin thành acid uric.
– Hội chứng Fanconi: là một bệnh lý rối loạn chức năng ống thận hiếm gặp, khả năng tái hấp thu các chất như glucose, acid uric, kali,.. giảm làm nồng độ các chất này giảm trong máu.
– Bệnh Wilson là một bệnh lý di truyền gây tích tụ đồng dư thừa trong cơ thể.
Do kết quả xét nghiệm acid uric máu có thể bị sai lệch khi bệnh nhân uống rượu, dùng các thuốc giảm đau như ibuprofen, aspirin, theophylin, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc ức chế men chuyển, corticoid, thuốc hoặc thực phẩm vitamin C,…Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ tất cả các thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng, điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá xét nghiệm được chính xác hơn. Kết quả xét nghiệm acid uric sẽ giúp ích trong chẩn đoán, theo dõi điều trị cũng như điều chỉnh chế độ ăn uống. Khi phát hiện bệnh nhân có tình trạng tăng acid uric, cần hướng dẫn bệnh nhân uống nhiều nước, giảm ăn các thực phẩm giàu purin, tránh sử dụng bia rượu để dự phòng nguy cơ mắc các bệnh do tăng acid uric hoặc nặng hơn các bệnh hiện có.