Xét nghiệm viêm gan B (HBV) là xét nghiệm đo nồng độ những chất khác nhau trong máu để xem thử bạn có đang bị nhiễm viêm gan B hay đã từng nhiễm nó trước đây hay không. Cụ thể hơn, xét nghiệm sẽ đo nồng độ của những chất sau đây:
- Kháng nguyên: là những chất nằm trên hay nằm trong virus hay vi khuẩn. Sự có mặt của kháng nguyên HBV đồng nghĩa với việc có virus trong cơ thể.
- Kháng thể: là protein tạo ra từ cơ thể để chống chọi lại sự nhiễm bệnh. Sự có mặt của kháng thể HBV đồng nghĩa với việc bạn đã từng nhiễm virus vào trong người. Khi xuất hiện kháng thể, điều này có hai ý nghĩa, một là có thể bạn đang bị nhiễm, hai là có thể bạn đã từng nhiễm bệnh và giờ đã khỏi hoàn toàn.
- ADN của virus viêm gan B: cho thấy số lượng virus viêm gan B có mặt trong cơ thể. Lượng ADN sẽ giúp xác định sự nhiễm bệnh này có nghiêm trọng tới mức nào và bạn có dễ lây bệnh cho người khác hay không.
- Chúng ta phải xác định loại virus viêm gan nào gây ra sự nhiễm bệnh để ngăn ngừa sự lây lan cũng như chọn phương pháp điều trị kịp thời.
Các xét nghiệm viêm gan B thường dùng
- Kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HBsAg): Đây là kháng nguyên nằm trên bề mặt của virus.
Xét nghiệm này được dùng để sàng lọc, phát hiện và chẩn đoán lây nhiễm HBV cấp tính hay mạn tính. Đây là xét nghiệm thường dùng để xác định viêm gan siêu vi B cấp tính, nó có thể giúp xác định nhiễm virus trước khi xuất hiện triệu chứng. Kháng nguyên này không xuất hiện trong máu trong thời kỳ phục hồi (khỏi bệnh). Xét nghiệm HbsAg còn được dùng để xác định những người mang theo virus mà không có triệu chứng, họ cũng chính là nguồn gây lây nhiễm HBV.
- Kháng thể bề mặt virus viêm gan B (anti-HBs): Kháng thể này được cơ thể sinh ra để chống lại kháng nguyên bề mặt virus.
Dùng để phát hiện những tình trạng đã từng nhiễm HBV trước đó. Kháng thể này cũng có thể xuất hiện do việc tiêm ngừa, nên xét nghiệm anti-HBs giúp xác định bạn có cần tiêm ngừa lại hay không (bạn cần tiêm ngừa lại nếu thiếu kháng thể anti-HBs) hay dùng để xác định bạn đã khỏi bệnh sau khi nhiễm HBV hay chưa.
- Kháng thể kháng lại kháng nguyên lõi của HBV: Kháng thể anti-HBc IgM và IgG (globulin miễn dịch M và G) được cơ thể sinh ra để chống lại kháng nguyên nằm trong lõi của virus.
Xét nghiệm này có thể sử dụng để phát hiện lây nhiễm cấp tính hay mạn tính: kháng thể IgM là kháng thể đầu tiên sản sinh ra sau khi cơ thể nhiễm HBV, còn kháng thể IgG sản sinh để đáp ứng kháng nguyên lõi sau khi bị lây nhiễm và tồn tại suốt đời.
Các xét nghiệm viêm gan B dùng để theo dõi sau xét nghiệm ban đầu, phát hiện lây nhiễm HBV
- Kháng thể anti-HBc (kháng thể kháng kháng nguyên lõi virus viêm gan B), IgM: Chỉ phát hiện kháng thể chống kháng nguyên lõi virus viêm gan B. Phát hiện lây nhiễm cấp tính và đôi khi là lây nhiễm mạn tính
- Kháng nguyên HBe (Kháng nguyên của virus): Xét nghiệm này được dùng để kiểm tra khả năng lây nhiễm của virus cho người khác (tính lây nhiễm) và theo dõi mức độ hiệu quả của phương pháp điều trị. Tuy nhiên, một vài HBV không tạo ra kháng nguyên e (e-antigen) thường gặp ở Trung Đông và châu Á. Ở những nơi HBV phổ biến, xét nghiệm HBeAg thường không hữu ích để xác định virus có thể lây lan sang người khác hay không.
- Kháng thể kháng HBe (Anti-HBe): Đây là kháng thể sản sinh từ cơ thể để chống lại kháng nguyên “e” viêm gan B. Xét nghiệm được dùng để xác định bạn có đang trong thời kỳ dễ lây nhiễm cho người khác hay không. Anti-HBe xuất hiện cùng với anti-HBc và anti-HBs.
- ADN virus viêm gan B (xét nghiệm định lượng virus viêm gan B): Đây là vật chất di truyền virus viêm gan B trong máu. Xét nghiệm dương tính cho thấy virus đang nhân lên trong cơ thể và người đó có nguy cơ lây nhiễm cao. Xét nghiệm thực hiện để theo dõi mức độ hiệu quả của phương pháp điều trị trong trường hợp nhiễm mạn tính HBV.
- Đột biến kháng thuốc virus viêm gan B: Xét nghiệm này được sử dụng để phát hiện những loại virus đã có thể kháng lại thuốc điều trị (thuốc chặn enzyme phiên mã ngược). Giúp chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp ở những người đã từng được điều trị trước đó hay ở những người không đáp ứng với phương pháp điều trị.
Khi nào bạn nên xét nghiệm viêm gan B?
Xét nghiệm viêm gan B được yêu cầu thực hiện khi:
- Bạn có những dấu hiệu và triệu chứng liên quan tới viêm gan cấp tính, xét nghiệm sẽ được thực hiện để xem nguyên nhân có phải là do viêm gan B không.
- Tầm soát những người có nguy cơ cao bị bệnh như là bác sĩ, nha sĩ, y tá.
- Tầm soát xem thử người hiến máu có bệnh này không để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.
- Đối với người đã tiêm vắc xin, xét nghiệm sẽ xác định bạn đã có kháng thể chưa và vắc xin đã có tác dụng hay chưa.
- Theo dõi điều trị có hiệu quả ở những người đã bị mắc bệnh.
Bạn nên biết những gì trước khi xét nghiệm viêm gan B?
Viêm gan D (HDV) là một loại virus khác gây ra viêm gan, nhưng loại virus này chỉ xuất hiện khi bạn đang nhiễm viêm gan B. Một người có thể bị lây nhiễm 2 virus cùng một lúc (đồng nhiễm) hay bị nhiễm viêm gan B trước và sau đó tới viêm gan D (bội nhiễm). Ở Mỹ, số ca hiện mắc HDV chiếm số lượng thấp. Chưa có vắc xin phòng ngừa HDV, nhưng do nó chỉ lây nhiễm khi HBV có mặt, nó có thể được ngăn ngừa bằng vắc xin HBV.
Xét nghiệm này thường không nguy hiểm nhưng sau quá trình lấy máu có thể có một số biến chứng như:
- Chỗ chọc kim xuất hiện vết bầm máu. Bạn có thể làm giảm vết bầm bằng cách đè bông gạc lên chỗ chọc kim.
- Tĩnh mạch có thể bị sưng phồng lên nhưng bạn chỉ cần chườm ấm vài ngày thì nó sẽ hết sưng.
- Chảy máu không thể cầm lại được, có thể là bạn bị bệnh máu khó đông hoặc là do bạn đang sử dụng các loại thuốc chống đông máu, hãy thông báo với bác sĩ ngay để bác sĩ có cách điều trị cho bạn.
- Trước khi tiến hành xét nghiệm HBV, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.